Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác - Lênin (dùng cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Triết học Mác - Lênin
Hai loại hình biện chứng và phép biện chứng duy vật
a) Hai loại hình biện chứng
Biện chứng thường được hiểu theo hai nghĩa: Thứ nhất, là phạm trù dùng để chỉ những mối liên hệ qua lại lẫn nhau, sự vận động và phát triển của bản thân các sự vật, hiện tượng, quá trình tồn tại độc lập bên ngoài ý thức con người; thứ hai, là phạm trù dùng để chỉ những mối liên hệ và sự vận động, biến đổi của chính quá trình phản ánh hiện thực khách quan vào đầu óc con người. Ở nghĩa thứ hai này biện chứng trở thành quan điểm, phương pháp “... xem xét những sự vật và những phản ánh của chúng trong tư tưởng trong mối liên hệ qua lại lẫn nhau của chúng, trong sự ràng buộc, sự vận động, sự phát sinh và sự tiêu vong của chúng”[1], tức là thành phép biện chứng. Nó cho phép tư duy không chỉ nhìn thấy sự vật cá biệt mà còn thấy cả mối liên hệ qua lại giữa chúng, vừa thấy bộ phận vừa thấy toàn thể, không chỉ thấy cây mà còn thấy rừng[2].
Theo hai nghĩa nêu trên, về thực chất biện chứng đã được chia thành biện chứng khách quan và biện chứng chủ quan (phép biện chứng). Biện chứng khách quan là khái niệm dùng để chỉ biện chứng của bản thân thế giới tồn tại khách quan, độc lập với ý thức con người. Biện chứng chủ quan chính là sự phản ánh biện chứng khách quan vào đầu óc của con người, là biện chứng của chính quá trình nhận thức, là biện chứng của tư duy phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc con người. Do có sự thống nhất giữa phép biện chứng, lý luận nhận thức và lôgích (biện chứng) trên cơ sở thống nhất tư duy và tồn tại, nên biện chứng chủ quan một mặt phản ánh thế giới khách quan, mặt khác phản ánh những quy luật của tư duy biện chứng.
Giữa biện chứng khách quan và biện chứng chủ quan có mối quan hệ thống nhất với nhau, tạo nên cơ sở phương pháp luận của hoạt động cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội. Sự khác nhau giữa chúng được Ph. Ăngghen chỉ ra: “Biện chứng gọi là khách quan thì chi phối trong toàn bộ giới tự nhiên, còn biện chứng gọi là chủ quan, tức là tư duy biện chứng, thì chỉ là phản ánh sự chi phối..., của sự vận động thông qua những mặt đối lập..., thông qua sự đấu tranh thường xuyên... và sự chuyển hóa cuối cùng của chúng từ mặt đối lập này thành mặt đối lập kia,...”[3]. Trong mối quan hệ này, biện chứng khách quan quy định biện chứng chủ quan, tức là bản thân sự vật, hiện tượng trong thế giới tồn tại biện chứng như thế nào thì tư duy, nhận thức của con người về chúng cũng phải phản ánh đúng như thế ấy.
Tính độc lập tương đối của biện chứng chủ quan với biện chứng khách quan được thể hiện trên thực tế: Sự vật, hiện tượng được phản ánh và nhận thức của con người về chúng không hoàn toàn trùng khít nhau, bởi quá trình tư duy, nhận thức còn phải tuân theo những quy luật mang tính mục đích và sáng tạo của con người. Do vậy, Ph. Ăngghen đòi hỏi tư duy khoa học vừa phải phân định rõ ràng, vừa phải thấy sự thống nhất giữa biện chứng khách quan và biện chứng chủ quan, “phép biện chứng đã được coi là khoa học về những quy luật phổ biến nhất của mọi vận động. Điều đó có nghĩa là những quy luật ấy phải có hiệu lực đối với vận động trong giới tự nhiên và trong lịch sử loài người cũng như đối với vận động của tư duy”[4].
b) Khái niệm phép biện chứng duy vật
C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin không đưa ra một định nghĩa thống nhất nào về phép biện chứng duy vật, mà trong các tác phẩm của các ông có nhiều định nghĩa khác nhau về phép biện chứng duy vật. Trong tác phẩm Chống Đuyrinh, khi bàn về các quy luật, Ph. Ăngghen định nghĩa: “phép biện chứng chẳng qua chỉ là môn khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy”2. Khi chỉ ra nội dung chủ yếu của phép biện chứng, Ph. Ăngghen định nghĩa: “Phép biện chứng là khoa học về sự liên hệ phổ biến. Những quy luật chủ yếu: sự chuyển hóa lượng thành chất, - sự xâm nhập lẫn nhau của các mâu thuẫn đối cực và sự chuyển hóa từ mâu thuẫn này sang mâu thuẫn khác khi mâu thuẫn đó lên tới cực độ, - sự phát triển bằng mâu thuẫn hoặc phủ định của phủ định, - phát triển theo hình thức xoáy trôn ốc”3, “phép biện chứng đã được coi là khoa học về những quy luật phổ biến nhất của mọi vận động. Điều đó có nghĩa là những quy luật ấy phải có hiệu lực đối với vận động trong giới tự nhiên và trong lịch sử loài người cũng như đối với vận động của tư duy”[5].
Khi giới thiệu về C. Mác, V.I. Lênin định nghĩa: “... phép biện chứng, tức là học thuyết về sự phát triển, dưới hình thức hoàn bị nhất, sâu sắc nhất và không phiến diện, học thuyết về tính tương đối của nhận thức của con người, nhận thức này phản ánh vật chất luôn luôn phát triển không ngừng”[6]. Khi bàn về các yếu tố của phép biện chứng, V.I. Lênin đưa ra định nghĩa: “Có thể định nghĩa vắn tắt phép biện chứng là học thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập. Như thế là nắm được hạt nhân của phép biện chứng, nhưng điều đó đòi hỏi phải có những sự giải thích và một sự phát triển thêm”[7]. Trong văn cảnh khác liên quan đến quan điểm của Hegel về phép biện chứng, V.I. Lênin viết: “Theo nghĩa đen, phép biện chứng là sự nghiên cứu mâu thuẫn trong ngay bản chất của các đối tượng”4, “phép biện chứng chính là lý luận nhận thức (của Hêghen và) của chủ nghĩa Mác: đó là một “mặt” (không phải một “mặt” mà là thực chất)”5.
Từ những định nghĩa trên có thể chỉ ra một số đặc điểm và vai trò của phép biện chứng duy vật. Về đặc điểm, phép biện chứng duy vật hình thành từ sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng; giữa lý luận nhận thức và lôgích biện chứng. Mỗi nguyên lý của phép biện chứng duy vật đều được xây dựng trên lập trường duy vật, mỗi luận điểm của phép biện chứng duy vật đều được rút ra từ sự vận hành của giới tự nhiên và lịch sử xã hội loài người; mỗi nguyên lý, quy luật, phạm trù của phép biện chứng đều được luận giải trên cơ sở khoa học và được chứng minh bằng toàn bộ sự phát triển của khoa học tự nhiên trước đó.
Về vai trò, phép biện chứng duy vật đã kế thừa và phát triển phép biện chứng từ tự phát đến tự giác, tạo ra chức năng phương pháp luận chung nhất, giúp định hướng việc đề ra các nguyên tắc tương ứng trong hoạt động nhận thức và thực tiễn; là một hình thức tư duy hiệu quả quan trọng nhất đối với khoa học, bởi chỉ có nó mới có thể đem lại phương pháp giải thích những quá trình phát triển diễn ra trong thế giới, giải thích những mối quan hệ chung, những bước quá độ từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.
Đối tượng nghiên cứu của phép biện chứng duy vật là trạng thái tồn tại có tính quy luật phổ biến nhất của sự vật, hiện tượng trong thế giới. Vấn đề này thể hiện trong các câu hỏi: Sự vật, hiện tượng quanh ta và cả bản thân ta tồn tại trong trạng thái liên hệ qua lại, quy định, chuyển hóa lẫn nhau và luôn vận động, phát triển hay trong trạng thái tách rời, cô lập nhau và đứng im, không vận động, phát triển?... Để trả lời câu hỏi trên, phép biện chứng duy vật đã đưa ra nội dung gồm hai nguyên lý, sáu cặp phạm trù và ba quy luật cơ bản. Hai nguyên lý khái quát chung tính biện chứng của thế giới; các cặp phạm trù phản ánh mối liên hệ, sự tác động biện chứng phổ biến nhất giữa các mặt của sự vật, hiện tượng có tính quy luật trong từng cặp; các quy luật cơ bản nghiên cứu mối liên hệ và khuynh hướng phát triển của thế giới các sự vật, hiện tượng để chỉ ra nguồn gốc, cách thức và khuynh hướng của sự vận động, phát triển của thế giới ấy. Các quan điểm, nguyên tắc được tạo ra từ nội dung này nêu ra kết luận, các quy luật này phải có hiệu lực đối với cả ba lĩnh vực: giới tự nhiên, lịch sử loài người và tư duy con người. Các quan điểm định hướng và nguyên tắc chỉ đạo ấy tạo cho phép biện chứng duy vật khả năng thực hiện chức năng phương pháp luận chung nhất cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.
Phương pháp biện chứng phản ánh “tính biện chứng khách quan” của sự vận động, phát triển của thế giới. Lý luận triết học theo nguyên tắc của phương pháp đó được gọi là “phép biện chứng”. Phép biện chứng duy vật với hệ thống các nguyên lý, quy luật, phạm trù của nó được khái quát sâu sắc từ hiện thực, từ thực tiễn nên nó có khả năng phản ánh chính xác nhất sự vật, hiện tượng, các liên hệ và tư duy. Cùng với thời gian và nhu cầu giải quyết các vấn đề hiện thực, phép biện chứng có thể được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Song ở bất kỳ cấp độ nào của nhận thức, nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và về sự phát triển vẫn là những nguyên lý có trình độ khái quát và phạm vi ứng dụng phổ quát nhất. Làm sáng tỏ và phong phú thêm những quy luật thể hiện hai nguyên lý này chính là đối tượng của phép biện chứng duy vật.
[1]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.38.
[2]. Xem C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.37.
[3]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.694.
[4], 2, 3. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.768, 201, 455.
[5]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.768.
[6]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.23, tr.53.
[7], 4, 5. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.240, 268, 382.
TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học