Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác - Lênin (dùng cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Triết học Mác - Lênin
Nội dung và hình thức
Việc nhận thức nội dung và hình thức sự vật, hiện tượng và sự hình thành các khái niệm về chúng được thực hiện trong quá trình nhận thức từ những mối liên hệ nhân quả này sang mối liên hệ nhân quả khác, từ những đặc tính này sang những đặc tính khác của sự vật, hiện tượng ấy.
Nội dung là phạm trù chỉ tổng thể tất cả các mặt, yếu tố tạo nên sự vật, hiện tượng. Hình thức là phạm trù chỉ phương thức tồn tại, biểu hiện và phát triển của sự vật, hiện tượng ấy; là hệ thống các mối liên hệ tương đối bền vững giữa các yếu tố cấu thành nội dung của sự vật, hiện tượng và không chỉ là cái biểu hiện ra bên ngoài, mà còn là cái thể hiện cấu trúc bên trong của sự vật, hiện tượng.
Nhiều khi con người rất khó khăn trong việc nhận thức rành mạch nội dung của một đối tượng nào đó (nhất là đối tượng tinh thần), mà thường lẫn với cấu trúc của nó. Trong trường hợp này rõ ràng có sự giao thoa, thâm nhập lẫn nhau giữa nội dung và hình thức, và hình thức khi đó được gọi là hình thức nội dung (hình thức bên trong), “... gắn liền chặt chẽ với nội dung”[2]. Kiểu hình thức này thường thuộc về cái riêng xác định, không lặp lại ở cái riêng khác, nên nó là cái đơn nhất. Nhưng cũng có những hình thức chung cho nhiều cái riêng của cùng một lớp, chúng được gọi là hình thức hình thức (hình thức bên ngoài, hình thức chung), nên nó cũng gọi là cái chung. Mặt khác khi xác định nội dung của đối tượng, nhận thức trả lời cho câu hỏi “đối tượng là gì”, nhưng khi trả lời cho câu hỏi “đối tượng là như thế nào”, tức là phải xác định hình thức tồn tại hay hình thức biểu hiện của nó.
Nội dung và hình thức của sự vật, hiện tượng tồn tại thống nhất chặt chẽ trong mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau, nhưng nội dung giữ vai trò quyết định.
Hình thức xuất hiện trong sự quy định của nội dung và sau khi xuất hiện, hình thức tồn tại tương đối độc lập và có ảnh hưởng tới nội dung, gây ra các hệ quả nhất định.
Khi hình thức phù hợp với nội dung, nó là động cơ thúc đẩy nội dung phát triển, còn khi không phù hợp, hình thức cản trở sự phát triển đó của nội dung.
Cùng một nội dung, trong quá trình phát triển, có thể thể hiện dưới nhiều hình thức và ngược lại, cùng một hình thức có thể biểu hiện cho một số nội dung khác nhau.
Sự vật, hiện tượng phát triển thông qua sự đổi mới không ngừng của nội dung và sự thay đổi theo chu kỳ của hình thức.
Lúc đầu, sự biến đổi diễn ra trong nội dung chưa ảnh hưởng đến hình thức, nhưng khi sự biến đổi đó tiếp tục diễn ra tới giới hạn nhất định, nội dung mới xuất hiện thì hình thức ban đầu trở nên chật hẹp, kìm hãm sự phát triển của nội dung.
Nội dung mới phá bỏ hình thức cũ và trong vỏ bao bọc của hình thức mới đó, thì nội dung mới sẽ tiếp tục phát triển.
Ở đây có sự tác động của quy luật phổ biến (theo nghĩa tác động ở mọi đối tượng, mọi lĩnh vực vật chất và tinh thần) về sự phù hợp (tương thích) của hình thức với nội dung. Ngoài ba quy luật biện chứng sẽ được phân tích riêng dưới đây, thì quy luật phù hợp của hình thức với nội dung này là quy luật được phát biểu riêng cho một trong các cặp phạm trù của phép biện chứng.
Ý nghĩa phương pháp luận
Thứ nhất, hình thức của sự vật, hiện tượng do nội dung của nó quyết định, là kết quả những thay đổi của nội dung và để đáp ứng những thay đổi đó thì sự thay đổi hình thức phải dựa vào những thay đổi thích hợp của nội dung quyết định nó; do vậy, muốn biến đổi sự vật, hiện tượng thì trước hết phải tác động, làm thay đổi nội dung của nó.
Thứ hai, hình thức chỉ thúc đẩy nội dung phát triển khi nó phù hợp với nội dung nên để thúc đẩy sự vật, hiện tượng phát triển nhanh, cần chú ý theo dõi mối quan hệ giữa nội dung đang phát triển với hình thức ít thay đổi, và khi giữa nội dung với hình thức xuất hiện sự không phù hợp thì trong những điều kiện nhất định phải can thiệp vào tiến trình khách quan, đem lại sự thay đổi cần thiết về hình thức để nó trở nên phù hợp với nội dung đã phát triển và bảo đảm cho nội dung phát triển hơn nữa, không bị hình thức cũ kìm hãm.
Thứ ba, một nội dung có thể có nhiều hình thức thể hiện và ngược lại nên cần sử dụng mọi hình thức có thể có, mới cũng như cũ, kể cả việc phải cải biến các hình thức vốn có, lấy hình thức này bổ sung, thay thế cho hình thức kia để làm cho bất kỳ hình thức nào cũng trở thành công cụ phục vụ nội dung mới. V.I. Lênin kịch liệt phê phán thái độ chỉ thừa nhận các hình thức cũ, bảo thủ, trì trệ, chỉ muốn làm theo hình thức cũ; đồng thời cũng phê phán thái độ phủ nhận vai trò của hình thức cũ trong hoàn cảnh mới, chủ quan, nóng vội, thay đổi hình thức cũ một cách tùy tiện, vô căn cứ [3].
[3]. Xem V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.41, tr.112.
TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học