Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác - Lênin (dùng cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Triết học Mác - Lênin
Nguyên nhân và kết quả
Nhận thức về sự tác động, tương tác giữa các mặt, các yếu tố hoặc giữa các sự vật, hiện tượng với nhau như là nguyên nhân cuối cùng dẫn đến sự xuất hiện của các mặt, các yếu tố, các sự vật, hiện tượng mới về chất, chính là khâu quyết định dẫn đến việc phát hiện ra tính nhân quả như là yếu tố quan trọng của mối liên hệ phổ biến.
Nguyên nhân là phạm trù chỉ sự tương tác lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật, hiện tượng hoặc giữa các sự vật, hiện tượng với nhau gây nên những biến đổi nhất định. Kết quả là phạm trù chỉ những biến đổi xuất hiện do sự tương tác giữa các yếu tố mang tính nguyên nhân gây nên.
Nhận thức về nguyên nhân, kết quả như trên vừa giúp khắc phục được hạn chế coi nguyên nhân của mỗi sự vật, hiện tượng, trong những điều kiện nhất định, nằm bên ngoài sự vật, hiện tượng đó; vừa khắc phục được thiếu sót coi nguyên nhân cuối cùng của sự vận động, chuyển hóa của toàn bộ thế giới vật chất nằm ngoài nó, trong lực lượng phi vật chất nào đó.
Mối liên hệ nhân quả có tính khách quan, phổ biến và tất yếu. Phê phán quan niệm sai lầm của triết học duy tâm về tính chất của mối liên hệ nhân quả, Ph. Ăngghen nhấn mạnh: “hoạt động của con người là hòn đá thử vàng của tính nhân quả”[1]. Trên thực tế, con người không chỉ quan sát thấy hiện tượng này sau hiện tượng kia, mà còn có thể tự mình gây ra hiện tượng, quá trình nhất định trong thực nghiệm khoa học, giống như hiện tượng, quá trình ấy xảy ra trong tự nhiên. Từ quan niệm cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy đều được gây nên bởi những nguyên nhân nhất định, trong đó có cả những nguyên nhân chưa được nhận thức, phép biện chứng duy vật rút ra nguyên tắc quyết định luận hết sức quan trọng của nhận thức khoa học. Từ quan niệm kết quả do nguyên nhân sinh ra còn phụ thuộc vào những điều kiện, hoàn cảnh nhất định, phép biện chứng duy vật cho rằng, một nguyên nhân nhất định trong hoàn cảnh nhất định chỉ có thể gây ra một kết quả nhất định; bởi vậy, nếu các nguyên nhân càng ít khác nhau bao nhiêu, thì các kết quả do chúng gây ra cũng ít khác nhau bấy nhiêu.
Quan niệm duy vật biện chứng về mối quan hệ nhân quả không cứng nhắc, tĩnh tại. Trong quá trình vận động, phát triển, nguyên nhân có thể chuyển hóa thành kết quả. Cái mà ở thời điểm hoặc trong mối quan hệ này là nguyên nhân thì ở thời điểm hoặc trong mối quan hệ khác lại là kết quả; còn kết quả lại trở thành nguyên nhân[2], nhưng đã ở trong các quan hệ khác, thành nguyên nhân loại khác: nguyên nhân sinh ra kết quả, kết quả cũng tác động lại nguyên nhân - chúng cũng nằm trong sự tương tác biện chứng. Trong khi là hiện tượng tích cực, nguyên nhân tác động lên hiện tượng khác thụ động và gây ra trong nó những biến đổi - tức là kết quả, nhưng kết quả cũng thể hiện sự phản tác động và từ hiện tượng thụ động chuyển thành tích cực. Kết quả không thể là nguyên nhân của chính nguyên nhân gây ra nó. Nhưng nếu bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng có nguyên nhân của nó thì cũng không có nghĩa là mỗi sự vật, hiện tượng chỉ do một nguyên nhân sinh ra. Trên thực tế, một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra, do vậy sự phân loại nguyên nhân thành nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân thứ yếu, nguyên nhân bên trong, nguyên nhân bên ngoài... đối với một kết quả vừa mang ý nghĩa lý luận, vừa mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Ý nghĩa phương pháp luận
Thứ nhất, nếu bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng có nguyên nhân và do nguyên nhân quyết định, thì để nhận thức được sự vật, hiện tượng ấy nhất thiết phải tìm ra nguyên nhân xuất hiện; muốn loại bỏ một sự vật, hiện tượng nào đó không cần thiết, thì phải loại bỏ nguyên nhân sinh ra nó.
Thứ hai, xét về mặt thời gian, nguyên nhân có trước kết quả nên khi tìm nguyên nhân của một sự vật, hiện tượng cần tìm ở các sự vật, hiện tượng mối liên hệ đã xảy ra trước khi sự vật, hiện tượng xuất hiện. Trong thời gian hoặc trong mối quan hệ nào đó, vì nguyên nhân và kết quả có thể đổi chỗ cho nhau, chuyển hóa lẫn nhau nên để nhận thức được tác dụng của một sự vật, hiện tượng và để xác định phương hướng đúng cho hoạt động thực tiễn cần nghiên cứu sự vật, hiện tượng đó trong mối quan hệ mà nó giữ vai trò là kết quả, cũng như trong mối quan hệ mà nó giữ vai trò là nguyên nhân, sản sinh ra những kết quả nhất định.
Thứ ba, một sự vật, hiện tượng có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra và quyết định, nên khi nghiên cứu sự vật, hiện tượng đó không vội kết luận về nguyên nhân nào đã sinh ra nó; khi muốn gây ra một sự vật, hiện tượng có ích trong thực tiễn cần phải lựa chọn phương pháp thích hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể chứ không nên rập khuôn theo phương pháp cũ. Trong số các nguyên nhân sinh ra một sự vật, hiện tượng có nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân thứ yếu, nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài, nên trong nhận thức và hành động cần dựa vào nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân bên trong.
[1]. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.719.
[2]. Xem C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.20, tr.38.
TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học