Các cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật

Các cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật



Bộ Giáo dục và đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác - Lênin (dùng cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Triết học Mác - Lênin

Các cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật

Trong quá trình nhận thức, con người thâm nhập ngày càng sâu hơn vào các đối tượng để nắm bắt và thể hiện thông qua các khái niệm những thuộc tính và mối liên hệ chung, đó là vận động, không gian, thời gian, nhân quả, tính quy luật, tất yếu, ngẫu nhiên, giống nhau, khác nhau, mâu thuẫn... Chúng là những đặc trưng của các đối tượng vật chất, là những hình thức tồn tại phổ biến của vật chất, còn các khái niệm phản ánh chúng là những phạm trù triết học.

Như vậy, phạm trù triết học là hình thức hoạt động trí óc phổ biến của con người, là những mô hình tư tưởng phản ánh những thuộc tính và mối liên hệ vốn có ở tất cả các đối tượng hiện thực. Phạm trù triết học giúp con người suy ngẫm những chất liệu cụ thể đã thu nhận được trong quá trình nhận thức và cải biến hiện thực, chỉ ra những đặc trưng cơ bản nhất của khách thể. Chẳng hạn, khảo sát đối tượng bằng cặp phạm trù cái chung và cái riêng, con người làm rõ sự đồng nhất và khác biệt của nó với các khách thể khác; thông qua cặp phạm trù “nhân quả” và “tất yếu”, con người nắm bắt được chuỗi quy định nhân quả, những thuộc tính và liên hệ tất nhiên, ngẫu nhiên; phân tích đối tượng đó thông qua phạm trù chất và lượng, nắm rõ được các đặc trưng tương ứng và có thể cả mối liên hệ lẫn nhau giữa chúng...

Tất cả các đối tượng đều nằm trong sự phụ thuộc và liên hệ phổ biến lẫn nhau. Do vậy, những khái niệm của con người phản ánh chúng cũng liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau, linh động, và khi có điều kiện phù hợp đều chuyển hóa vào nhau thành mặt đối lập của mình. Chỉ có như thế chúng mới phản ánh được tính vận động của đối tượng. V.I. Lênin viết: “... những khái niệm của con người không bất động, mà luôn luôn vận động, chuyển hóa từ cái nọ sang cái kia; không như vậy, chúng không phản ánh đời sống sinh động”[1].

Các phạm trù đều phản ánh các hình thức tồn tại phổ biến, các mặt và các mối liên hệ phổ biến của hiện thực khách quan. Thông qua khảo sát mối liên hệ hữu cơ và sự phụ thuộc lẫn nhau của hệ thống phạm trù phản ánh chúng sẽ nhận thấy được sự phong phú của tính quy luật biện chứng. Lần đầu tiên vấn đề phạm trù được trình bày bao quát trong triết học Hegel. Hegel cũng lấy các nguyên tắc biện chứng làm cơ sở cho hệ thống các phạm trù của mình, trình bày các phạm trù trong sự vận động, phát triển, chuyển hóa lẫn nhau, và xét chúng như là những nấc thang phát triển của ý niệm tuyệt đối. Trong hệ thống phạm trù đầy mâu thuẫn, Hegel đã tái hiện được một loạt các tính quy luật và mối liên hệ phổ biến sâu sắc.

Khác với Hegel, các nhà kinh điển triết học Mác - Lênin xét các phạm trù như là các hình thức phản ánh phổ biến về hiện thực và như những nấc thang phát triển của nhận thức xã hội và thực tiễn. Mỗi phạm trù gắn với một thời kỳ phát triển nhận thức nhất định. Trong khi ghi nhận những thuộc tính và mối liên hệ phổ biến do nhận thức vạch ra ở một thời kỳ phát triển, các phạm trù phản ánh những đặc thù của thời kỳ đó và là những điểm tựa để con người vươn cao tiếp tục nhận thức, là những nút điểm đánh dấu bước chuyển của nhận thức từ thời kỳ phát triển này sang thời kỳ khác. V.I. Lênin viết: “Trước con người, có màng lưới những hiện tượng tự nhiên. Con người bản năng, người man rợ, không tự tách khỏi giới tự nhiên. Người có ý thức tự tách khỏi giới tự nhiên, những phạm trù là những giai đoạn của sự tách khỏi đó, tức là của sự nhận thức thế giới, chúng là những điểm nút của màng lưới, giúp ta nhận thức và nắm vững được màng lưới”[2].

V.I. Lênin đúc rút sự liên hệ giữa các cặp phạm trù từ các tính quy luật của tồn tại và nhận thức, ông cho rằng trong khi phản ánh mối tương quan của các mặt và các mối liên hệ phổ biến tương ứng, tương quan giữa các cặp phạm trù cũng thể hiện cả sự vận động tất yếu của nhận thức từ thấp đến cao. Sự xuất hiện của bất kỳ phạm trù mới nào cũng đều được quy định bởi chính tiến trình phát triển của nhận thức. Nhận thức thâm nhập ngày càng sâu vào thế giới các đối tượng, vạch ra những mặt và những mối liên hệ phổ biến mới mà các cặp phạm trù cũ đã không thể bao quát được và do vậy đòi hỏi những cặp phạm trù mới để phản ánh phù hợp hơn. Khi đã xuất hiện, mọi cặp phạm trù mới đều tất yếu liên hệ với các cặp phạm trù cũ, có vị trí thích hợp trong hệ thống chung của các phạm trù được xác định bởi quá trình nhận thức đang phát triển.

Các mối liên hệ phổ biến giữa các sự vật, hiện tượng được phép biện chứng duy vật khái quát thành các cặp phạm trù cơ bản. Tính cặp đôi của các phạm trù thể hiện sự phản ánh biện chứng tính thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập của thế giới khách quan. Các cặp phạm trù hình thành và phát triển trong hoạt động nhận thức, hoạt động cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội của con người. Trong phép biện chứng duy vật, các cặp phạm trù có vai trò phương pháp luận khác nhau. Các cặp phạm trù cái riêng và cái chung, tất nhiên và ngẫu nhiên, bản chất và hiện tượng là cơ sở phương pháp luận của các phương pháp: phân tích và tổng hợp, diễn dịch và quy nạp, khái quát hóa và trừu tượng hóa để nhận thức được toàn bộ các mối liên hệ theo hệ thống. Các cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả, khả năng và hiện thực là cơ sở phương pháp luận chỉ ra các mối liên hệ và sự phát triển của các sự vật, hiện tượng như những quá trình tự nhiên. Cặp phạm trù nội dung và hình thức là cơ sở phương pháp luận nắm bắt các hình thức tồn tại hoặc biểu hiện của đối tượng trong sự phụ thuộc vào nội dung, phản ánh tính đa dạng của các phương pháp nhận thức và hoạt động thực tiễn.

Từ điểm xuất phát là thế giới khách quan tồn tại độc lập với ý thức của con người; luôn vận động, liên hệ, chuyển hóa lẫn nhau và phát triển, phép biện chứng duy vật khẳng định, các cặp phạm trù cũng phải vận động và phát triển để phản ánh đúng và đầy đủ về những sự vật, hiện tượng. Đồng thời, để sự nhận thức về chúng ngày càng trở nên sâu sắc hơn thì phép biện chứng duy vật phải ngày càng được bổ sung thêm những cặp phạm trù mới. Như vậy, các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật không phải là một hệ thống nhất thành bất biến, mà phát triển cùng với sự phát triển của khoa học. Mối liên hệ giữa các cặp phạm trù của khoa học chuyên ngành với các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật là mối quan hệ giữa cái đơn nhất với cái chung. Khi nghiên cứu các cặp phạm trù cần đặt chúng trong các mối liên hệ với nhau và với các quy luật của phép biện chứng duy vật, bởi nếu chỉ nghiên cứu riêng các cặp phạm trù hoặc các quy luật của phép biện chứng duy vật thì chúng ta chưa thể nắm được đầy đủ các mối liên hệ bản chất của thế giới, “Quy luật nắm lấy cái gì là yên tĩnh - mà chính vì vậy mà quy luật, mọi quy luật, đều là chật hẹp, không đầy đủ, gần đúng”[3].

[1]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.267.
[2]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.102.
[3]. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.160.




TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học

Xem thêm:
Hãy chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy hữu ích

Hữu ích cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh


XEM TỬ VI CÙNG CHUYÊN GIA
Tử Vi trọn đời, Tiền tài - Sự nghiệp, Tình duyên - Hôn nhân, Tử tức, Vận hạn
Đặt lịch xem Tử Vi miễn phí tại >> tuvi.school/p/tu-vi.html
Hoặc liên hệ qua zalo: 0389.235.889 (Mrs. Phượng)