Nữ triết gia Nussbaum
MARTHA CRAVEN NUSSBAUM sinh năm 1947 tại Bryn Mawr, PEnnsylvania. Bà theo học tại Wellesley College và sau đó tại New York University, nơi bà tốt nghiệp với bằng văn chương cổ Hy - La. Bà nhận bằng thạc sĩ ngữ văn cổ điển tại đại học Harvard và trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Harvard's Society Fellows. Sau đó, bà giảng dạy tại Harvard và tại Brown University, là giáo sư luật và đạo đức học tại đại học Chicago, nơi bà giữ trọng trách ở khoa luật, khoa thần học, phân khoa triết học và văn chương cổ Hy - La. Bà làm chủ tịch phân ban trung tâm của Hội triết học Hoa Kỳ. Bà còn là cố vấn nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới do Liên hợp quốc bảo trợ. Triết học chính trị của Nussbaum dựa vào hệ thống tư tưởng của Aristotle, trường phái khắc kỷ, Kant, Mill và Rawls. Từ trường phái khắc kỷ và Kant, bà có được những mô tả về nhân phẩm và tự do, từ Mill là những lý tưởng về bình đẳng và chủ nghĩa cá nhân ủng hộ những khát vọng của phụ nữ, từ Rawls là lý tưởng về chủ nghĩa tự do chính trị, và từ Aristotle là những khả năng phổ quát của con người tiềm tàng trong đời sống, có thể áp dụng cho tất cả bất kể những khác biệt về văn hóa, đặc điểm giới tính, chủng tộc, tuổi tác.
Bà cũng ca tụng triết học nữ quyền. Bà tin tưởng nó đã đặt ra được những câu hỏi mới về đạo đức và chính trị rồi truyền cho chúng sự đam mê và tính cấp bách. Các triết gia nữ quyền đã buộc gần như mọi lĩnh vực của triết học phải chịu sự thẩm xét. Họ đặt vấn đề: triết học chính trị và đạo đức có phản ánh đầy đủ những mối quan tâm của phụ nữ? Những đối lập thông thường như đối lập giữa lý trí và tình cảm, công cộng và riêng tư, điều thiện và điều ác có gây bất lợi, hạ giá trị phụ nữ và những đóng góp của họ cho đời sống đạo đức và chính trị hay không? Những giả thuyết về triết lý đạo đức và chính trị có thù nghịch với sự tham gia của phụ nữ vào đời sống công cộng hay không? Và ngược lại, những quy phạm của đời sống công cộng có làm cho con người nản lòng không thể tham dự trọn vẹn vào đời sống gia đình? Các nhà nữ quyền cũng đặt câu hỏi: Những tuyên bố về bản chất và những đặc điểm phổ quát của con người có được xây dựng từ viễn tượng lợi ích và đời sống con người? Những đặc trưng phái tính của kinh nghiệm con người có thể gây ra những khác biệt phái tính trong những quyết định đạo đức? Các lĩnh vực tư tưởng, cảm tính, hay đời sống thường nhật có bị bỏ quên hay bị coi thường trong các truyền thống triết học thịnh hành, bởi vì những gắn kết với phụ nữ không? Và có nguồn tham khảo nào trong các lý thuyết truyền thống hữu ích cho việc xóa bỏ vai trò phụ thuộc của phụ nữ không?
Nussbaum tham gia vào các cuộc tranh luận nữ quyền với tư cách người biện hộ chủ nghĩa tự do. Trong khi đáp trả lại những phê phán nữ quyền đối với chủ nghĩa tự do; Bà không có ý định làm suy yếu những tuyên bố nữ quyền theo đúng nghĩa nhưng cổ vũ cho một nữ quyền luận mạnh mẽ hơn và bảo vệ tốt hơn những quyền lợi của phụ nữ (và do đó có tính tự vệ nhiều hơn) bằng cách giới hạn những tuyên bố của nó thành những tuyên bố được đảm bảo bởi một triết thuyết tự do. Đồng thời Nussbaum nỗ lực làm sáng tỏ ý nghĩa và những cam kết của chủ nghĩa tự do bằng cách đưa nhiều phiên bản của nó qua dòng chảy biến động của nữ quyền luận để thử nghiệm. Trong một tiểu luận, bà xem xét ba cáo buộc chống lại chủ nghĩa tự do do các nhà nữ quyền đưa ra. Thứ nhất, chủ nghĩa tự do quá cá nhân để có thể phát biểu về những giá trị chung được phụ nữ chia sẻ. Thứ hai, chủ nghĩa tự do quá trừu tượng để có thể bàn về những vấn đề riêng biệt của phụ nữ nói chung, và sự không đồng đều về quyền lực giữa phụ nữ và nam giới nói riêng. Thứ ba, chủ nghĩa tự do dựa quá nhiều vào lý trí và không đánh giá đúng mức vai trò của tình cảm trong sinh hoạt đạo đức của chúng ta.
Đáp lại, Nussbaum lập luận theo một trong hai cách. Hoặc bà chấp nhận rằng, sự phản đối nữ quyền có được một trực giác quan trọng nhưng lý giải không đúng về chủ nghĩa tự do, hoặc bà nhất quán cho rằng, lập trường tự do, nếu được nhận thức đúng đắn, tốt hơn lập trường nữ quyền. Đối với cáo buộc tính chất cá nhân quá độ của chủ nghĩa tự do, bà đáp rằng, chủ nghĩatự, do không phải là một triết lý ích kỷ. Vương quốc những cứu cánh của Kant lẫn chủ nghĩa vị lợi của Mill đều không thể được xem là những học thuyết ích kỷ, vì chúng giả thiết xã hội tính rất cần đối với bản chất đạo đức của chúng ta. Chủ nghĩa tự do cũng bị cáo buộc không chính xác vì chủ trương rằng, chúng ta nên dựa vào chính bản thân mình. Chúng ta có được niềm vui và lợi ích từ những thành công của người khác, và chủ nghĩa tự do của Mill và Rawls coi những hưởng ứng này là một phần thiết yếu của đời sống đạo đức. Chủ nghĩa tự do cũng đánh giá cao sự quyến luyến gia đình và những hành vi nhân từ
Tuy nhiên, nếu cáo buộc chống lại chủ nghĩa tự do cho rằng, nó quan tâm đến cá nhân như một hiện hữu tách biệt, có giá trị cao hơn bất kỳ đoàn nhóm xã hội nào, nhà nước, cộng đồng, hay thậm chí gia đình, thì bà tin rằng, chủ nghĩa tự do có tội đúng như cáo buộc. Nhưng bà tin rằng, nữ quyền luận sẽ thiếu khôn ngoan khi từ bỏ kiểu chủ nghĩa cá nhân này. Vì trong khi nhắm tới sự tách biệt của cá cá nhân, chủ nghĩa tự do đang thừa nhận rằng, chúng ta sinh ra và chết đi như những cá thể riêng lẻ, rằng, thực phẩm chúng ta ăn không đi vào bụng người khác, và đau đớn mà thân xác tôi gánh chịu thì bạn không cảm nhận được. Một chủ nghĩa cá nhân như thế đã sớm được phong trào nữ quyền đón nhận, như được trình bày trong tác phẩm Cái tôi cô đơn của Elizabeth Cady Stanton. Khi hạnh phúc của các đoàn nhóm xã hội, thậm chí các nhóm thân tình như gia đình, được đánh giá cao hơn hạnh phúc của các cá nhân, phụ nữ thường là những người được đòi hỏi phải hy sinh nhiều nhất. Quả thực, Nussbaum nhận xét rằng, khi đề cập đến gia đình, chủ nghĩa tự do đã không đủ tính chất cá nhân, khiến cho hạnh phúc của phụ nữ bị áp đảo trước hạnh, phúc của tập thể.
Về cáo buộc của các nhà nữ quyền cho rằng, chủ nghĩa tự do quá trừu tượng, Nussbaum cho rằng, sự cáo buộc này xuất phát từ một quan niệm sai lầm về chủ nghĩa tự do. Người theo chủ nghĩa tự do có thể có một nhận thức mạnh mẽ về cá nhân, mặc dù vẫn cho rằng, chỉ những tính chất trìu tượng mới cần được xem xét vì những mục đích đạo đức nào đó. Phản ứng của nữ quyền luận là những cái trừu tượng của chủ nghĩa tự do, trên thực tế, là những hình ảnh từ cuộc sống của nam giới phóng chiếu vào cuộc sống của phụ nữ. Dù bằng cách tách khỏi những khác biệt cụ thể hay đề cao những tính chất của cuộc sống nam giới như những đặc điểm phổ quát của mọi người, thì chủ nghĩa tự do vẫn được cho là cổ vũ cho những luật lệ và chính sách không biết gì đến thực tế cụ thể của đời sống phụ nữ. Bình đẳng trở thành bình đẳng cho nam giới, ở đó nam giới trở thành quy phạm của nhân loại. Và những chính sách “trung tính'' may lắm là không cải thiện địa vị của phụ nữ hoặc tệ nhất là gây bất lợi cho phụ nữ. Ví dụ, việc nghỉ đẻ không thể được xử lý bằng đạo luật không liên quan đến giới tính. Nussbaum thừa nhận rằng, nếu tính chất trung lập như thế là chính yếu của chủ nghĩa tự do, có lẽ nó đã bị coi là xử lý quá tệ những quyền lợi của phụ nữ. Nhưng bà tuyên bố rằng, chủ nghĩa tự do, nếu dược hiểu một cách đúng đắn, không có những nội hàm như vậy. Bà thừa nhận rằng, bằng cách tách khỏi tôn giáo và những khác biệt văn hoá, chủ nghĩa tự do có thể xung đột với những nền văn hóa và các tôn giáo hẹp hòi. Nhưng bà nhấn mạnh những phương cách mà chủ nghĩa phản tự do trong nhiều nền văn hóa và các tôn giáo thường đối xử tệ hại với phụ nữ
Về cáo buộc cho rằng, chủ nghĩa tự do đề cao lý trí (giống đực) trên tình cảm (giống cái), bà thừa nhận rằng, mặc dù một số khuynh hướng của chủ nghĩa tự do trao cho lý trí sự ưu trội về ý nghĩa đạo đức (như Kant), bà chỉ cho thấy các nhà tư tưởng khác (như Adam Smith và John Stuart Mill) nhấn mạnh vai trò ưu thế của tình cảm trong đánh giá đạo đức. Vì vậy tình cảm, về cơ bản, không thù địch với chủ nghĩa tự do. Hơn nữa, vì lý trí và tình cảm gắn bó với nhau chặt chẽ, bất kỳ sự mô tả nào đặt tình cảm ở vị trí ưu trội hơn lý trí đều là sai lầm. Nussbaum khẳng định rằng, phụ nữ cần suy tư thuần lý cùng với tình cảm để đưa ra những phán đoán đạo đức sâu sắc, và phụ nữ không kém khả năng suy luận hơn nam giới. Nói khác đi là củng cố cho một tuyên bố sai lầm rằng, bản tính phụ nữ là tình cảm. Nussbaum khẳng định rằng, tất cả tình cảm đều được khuôn định bởi những đặc điểm xã hội và nhận thức và chịu sự chi phối của sự thẩm tra thuần lý
Nếu Nussbaum thành công trong việc biện hộ cho chủ nghĩa tự do, bà đã cho thấy hai điều, một là chủ nghĩa tự do bao hàm những cái nhìn thấu suốt của nữ quyền luận, và hai là những tuyên bố nữ quyền không tương thích với chủ nghĩa tự do gây tổn hại cho phụ nữ. Thế thì,đóng góp đặc biệt của lý thuyết nữ quyền vào triết học chính trị là gì? Nữ quyền luận có mang đến, không phải những công cụ lý thuyết, mà chỉ là một lĩnh vực cho sự ứng dụng triết lý chính trị? Những tác phẩm về sau của Nussbaum không ủng hộ kết luận này. Trong Rawls và nữ quyền luận và Tương lai của chủ nghĩa tự do nữ quyền, Nussbaum xem xét những khuynh hướng chống đối nữ quyền khác cho rằng, chủ nghĩa tự do không chú ý đến những cơ cấu toàn cầu có thể bảo đảm cho hạnh phúc của phụ nữ, rằng, chủ nghĩa tự do lặng im trước những vấn đề về công bằng trong phạm vi gia đình, và rằng, chủ nghĩa tự do nhắm đến một sự tự túc và không cần biết đến tình trạng lệ thuộc bắt nguồn từ sự thiểu năng thể chất hay tinh thần cũng như nhu cầu săn sóc những người thiểu năng như vậy. Những thách thức này bà thấy tế nhị hơn và dễ kiểm soát hơn. Để hưởng ứng, Nussbaum tiếp tục triển khai cả nữ quyền luận tránh xa chủ nghĩa phản đối tự do lẫn chủ nghĩa tự do được hình thành từ những mối quan tâm của nữ quyền luận.
TRIẾT HỌC NHÂN VĂN
Blog chia sẻ tài liệu chuyên ngành Triết học
Tags:
Hay đọc ngay