Bài giảng tóm tắt
Môn học Triết học Mác - Lênin
tóm tắt bởi Mai K Đa
Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội
* Ở Trung Quốc
Chữ triết (哲) đã
có từ rất sớm, có ý nghĩa là sự truy tìm bản chất của đối tượng nhận thức,
thường là con người, xã hội, vũ trụ và tư tưởng. Triết học là biểu hiện cao của
trí tuệ, là sự hiểu biết sâu sắc của con người về toàn bộ thế giới thiên
- địa - nhân và định hướng nhân sinh quan cho con người.
* Ở Ấn Độ
Thuật ngữ Dar'sana (triết học) nghĩa gốc là
chiêm ngưỡng, hàm ý là tri thức dựa trên lý trí, là con đường suy ngẫm để
dẫn dắt con người đến với lẽ phải.
* Ở phương Tây
Thuật ngữ “triết học” (Philosophy,
philosophie, философия), xuất hiện ở Hy Lạp Cổ đại, với nghĩa là yêu mến
sự thông thái. Người Hy Lạp Cổ đại quan niệm, philosophia vừa mang nghĩa là
giải thích vũ trụ, định hướng nhận thức và hành vi, vừa nhấn mạnh đến
khát vọng tìm kiếm chân lý của con người.
Đặc trưng chung
Có nhiều định nghĩa về triết học, nhưng các định nghĩa
thường bao hàm những nội dung chủ yếu sau:
- Triết học là một hình thái ý thức xã hội.
- Khách thể khám phá của triết học là thế giới (gồm cả thế
giới bên trong và bên ngoài con người) trong hệ thống chỉnh thể toàn vẹn vốn có
của nó.
- Triết học giải thích tất cả mọi sự vật, hiện tượng, quá
trình và quan hệ của thế giới, với mục đích tìm ra những quy luật phổ biến
nhất chi phối, quy định và quyết định sự vận động của thế giới, của con
người và của tư duy.
- Với tính cách là loại
hình nhận thức đặc thù, độc lập với khoa học và khác biệt với tôn giáo, tri thức
triết học mang tính hệ thống, lôgíc và trừu tượng về thế giới, bao gồm những
nguyên tắc cơ bản, những đặc trưng bản chất và những quan điểm nền tảng về mọi
tồn tại.
- Triết học là hạt nhân của thế giới quan.
Triết học Mác - Lênin
Với sự ra đời của Triết học Mác - Lênin, triết học là hệ thống
quan điểm lí luận chung nhất về thế giới và vị trí con người trong thế giới đó,
là khoa học về những quy luật vận động, phát triển chung nhất của tự nhiên, xã
hội và tư duy.