Dành cho khối không chuyên
a. Nguồn gốc của triết học
- Nguồn gốc
nhận thức
Nói đến nguồn gốc nhận thức của triết học là nói đến sự hình thành, phát triển của tư duy trừu tượng, của năng lực khái quát trong nhận thức của con người.
Triết học chỉ xuất hiện khi kho tàng tri thức của loài người đã hình thành được một vốn hiểu biết nhất định và trên cơ sở đó, tư duy con người cũng đã đạt đến trình độ có khả năng rút ra được cái chung trong muôn vàn những sự kiện, hiện tượng riêng lẻ.
- Nguồn gốc xã hội
Triết học chỉ ra đời khi xã hội loài người đã đạt đến một trình độ sản xuất xã hội tương đối cao, phân công lao động xã hội hình thành, của cải tương đối thừa dư, tư hữu hóa tư liệu sản xuất được luật định, giai cấp phân hóa rõ và mạnh, nhà nước ra đời.
b. Khái niệm triết học
* Ở Trung Quốc, chữ triết (哲) đã
có từ rất sớm, có ý nghĩa là sự truy tìm bản chất của đối tượng nhận thức,
thường là con người, xã hội, vũ trụ và tư tưởng. Triết học là biểu hiện cao của
trí tuệ, là sự hiểu biết sâu sắc của con người về toàn bộ thế giới thiên
- địa - nhân và định hướng nhân sinh quan cho con người.
* Ở Ấn Độ, thuật ngữ Dar'sana (triết học) nghĩa gốc là
chiêm ngưỡng, hàm ý là tri thức dựa trên lý trí, là con đường suy ngẫm để
dẫn dắt con người đến với lẽ phải.
* Ở phương Tây, thuật ngữ “triết học” (Philosophy,
philosophie, философия), xuất hiện ở Hy Lạp Cổ đại, với nghĩa là yêu mến
sự thông thái. Người Hy Lạp Cổ đại quan niệm, philosophia vừa mang nghĩa là
giải thích vũ trụ, định hướng nhận thức và hành vi, vừa nhấn mạnh đến
khát vọng tìm kiếm chân lý của con người.
Như vậy, cả ở phương Đông và phương Tây, ngay từ đầu,
triết học đã là hoạt động tinh thần bậc cao, là loại hình nhận thức có
trình độ trừu tượng hóa và khái quát hóa rất cao. Triết học nhìn nhận và đánh
giá đối tượng xuyên qua thực tế, xuyên qua hiện tượng quan sát được về con
người và vũ trụ. Ngay cả khi triết học còn bao gồm trong nó tất cả mọi thành tựu
của nhận thức, loại hình tri thức đặc biệt này đã tồn tại với tính cách là một
hình thái ý thức xã hội.
Có nhiều định nghĩa về triết học, nhưng các định nghĩa
thường bao hàm những nội dung chủ yếu sau:
- Triết học là một hình thái ý thức xã hội.
- Khách thể khám phá của triết học là thế giới (gồm cả thế
giới bên trong và bên ngoài con người) trong hệ thống chỉnh thể toàn vẹn vốn có
của nó.
- Triết học giải thích tất cả mọi sự vật, hiện tượng, quá trình và quan hệ của thế giới, với mục đích tìm ra những quy luật phổ biến nhất chi phối, quy định và quyết định sự vận động của thế giới, của con người và của tư duy.
- Với tính cách là loại hình nhận thức đặc thù, độc lập với khoa học và khác biệt với tôn giáo, tri thức triết học mang tính hệ thống, lôgíc và trừu tượng về thế giới, bao gồm những nguyên tắc cơ bản, những đặc trưng bản chất và những quan điểm nền tảng về mọi tồn tại.
- Triết học là hạt nhân của thế giới quan.
Triết học là hình thái đặc biệt của ý thức xã hội, được thể hiện thành hệ thống các quan điểm lý luận chung nhất về thế giới, về con người và về tư duy của con người trong thế giới ấy.
Với sự ra đời của Triết học Mác - Lênin, triết học là hệ thống
quan điểm lí luận chung nhất về thế giới và vị trí con người trong thế giới đó,
là khoa học về những quy luật vận động, phát triển chung nhất của tự nhiên, xã
hội và tư duy.
c. Vấn đề đối tượng của triết học trong lịch sử
Cùng với quá trình phát triển của xã hội, của nhận thức và
của bản thân triết học, trên thực tế, nội dung của đối tượng của triết học
cũng thay đổi trong các trường phái triết học khác nhau.
Ở thời kỳ Hy Lạp Cổ đại nền triết học tự nhiên đã đạt
được những thành tựu vô cùng rực rỡ.
Ở Tây Âu thời Trung cổ, khi quyền lực của Giáo hội bao
trùm mọi lĩnh vực đời sống xã hội thì triết học trở thành người hầu
của thần học. Nền triết học tự nhiên bị thay bằng nền triết học kinh
viện.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học vào thế kỷ XV, XVI đã tạo
một cơ sở tri thức vững chắc cho sự phục hưng triết học. Đồng thời, sự phát triển
xã hội được thúc đẩy bởi sự hình thành và củng cố quan hệ sản xuất tư bản chủ
nghĩa, bởi những phát hiện lớn về địa lý và thiên văn cùng những thành tựu khác
của cả khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn đã mở ra một thời kỳ mới cho sự
phát triển triết học. Triết học duy vật chủ nghĩa dựa trên cơ sở tri thức của
khoa học thực nghiệm đã phát triển nhanh chóng trong cuộc đấu tranh với chủ
nghĩa duy tâm và tôn giáo, đạt tới đỉnh cao mới trong chủ nghĩa duy vật thế kỷ
XVII- XVIII ở Anh, Pháp, Hà Lan.
Hoàn cảnh kinh tế - xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học vào đầu thế kỷ XIX đã dẫn đến sự ra đời của triết học Mác. Triết học Mác xác định đối tượng nghiên cứu của mình là tiếp tục giải quyết mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy, giữa vật chất và ý thức trên lập trường duy vật triệt để và nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy
d. Triết học - hạt nhân lý luận của thế giới quan
Thế giới quan là khái niệm triết học chỉ hệ thống các tri thức, quan điểm, tình cảm, niềm tin, lý tưởng xác định về thế giới và về vị trí của con người (bao hàm cả cá nhân, xã hội và nhân loại) trong thế giới đó. Thế giới quan quy định các nguyên tắc, thái độ, giá trị trong định hướng nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.
Nói triết học là hạt nhân của thế giới quan, bởi vì:
Thứ nhất, bản thân triết học chính là thế giới quan.
Thứ hai, trong các thế giới quan khác như thế giới quan của
các khoa học cụ thể, thế giới quan của các dân tộc, hay các thời đại… triết học
bao giờ cũng là thành phần quan trọng, đóng vai trò là nhân tố cốt lõi.
Thứ ba, với các loại thế giới quan tôn giáo, thế giới quan
kinh nghiệm hay thế giới quan thông thường…, triết học bao giờ cũng có ảnh hưởng
và chi phối, dù có thể không tự giác.
Thứ tư, thế giới quan triết học như thế nào sẽ quy định các thế giới quan và các quan niệm khác như thế.