Bài giảng tóm tắt
Môn học Triết học Mác - Lênin
tóm tắt bởi Mai K Đa
Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội
tóm tắt dựa trên Giáo trình Triết học Mác - Lênin (Dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị). - H. : Chính trị Quốc gia, 2021. - 496 tr.; ISBN 9786045765944.
Triết học, khác với một số loại hình nhận thức khác, trước
khi giải quyết các vấn đề cụ thể của mình, nó buộc phải giải quyết một vấn
đề có ý nghĩa nền tảng và là điểm xuất phát để giải quyết tất cả những
vấn đề còn lại - vấn đề về mối quan hệ giữa vật chất với ý thức. Đây chính
là vấn đề cơ bản của triết học.
Ph.Ăngghen viết: “Vấn đề cơ bản lớn của mọi triết
học, đặc biệt là của triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy
với tồn tại”.
Khi giải quyết vấn đề cơ bản, mỗi triết học không chỉ xác định
nền tảng và điểm xuất phát của mình để giải quyết các vấn đề khác mà thông qua
đó, lập trường, thế giới quan của các học thuyết và của các triết gia cũng được
xác định.
Vấn đề cơ bản của triết học có hai mặt, trả lời hai câu hỏi
lớn.
Mặt thứ nhất: Giữa ý thức và vật chất thì cái nào có trước,
cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào? Nói cách khác, khi tìm ra nguyên
nhân cuối cùng của hiện tượng, sự vật, hay sự vận động đang cần phải giải
thích, thì nguyên nhân vật chất hay nguyên nhân tinh thần đóng vai trò là cái
quyết định.
Mặt thứ hai: Con người có khả năng nhận thức được thế giới
hay không? Nói cách khác, khi khám phá sự vật và hiện tượng, con người có dám
tin rằng mình sẽ nhận thức được sự vật và hiện tượng hay không.
Cách trả lời hai câu hỏi trên quy định lập trường của nhà
triết học và của trường phái triết học, xác định việc hình thành các trường
phái lớn của triết học.