[tintuc]
[/tintuc]
Tiền đề về lý luận cho sự ra đời của Triết học Mác - Lênin
Chủ nghĩa
Mác ra đời xuất phát từ nhu cầu khách quan của lịch sử, nó không phải là một
trào lưu biệt phái, nó không tách rời nền văn minh chung của nhân loại mà nó là
kết quả của sự kế thừa và hoàn thiện những tư tưởng của nhân loại, đặc biệt là:
triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội
không tưởng Pháp.
Triết học
cổ điển Đức
Tiêu biểu là Hêghen và Phoiơbắc đã có ảnh hưởng to lớn và rất quan
trọng về mặt lý luận đến sự phát triển thế giới quan, phương pháp luận duy vật
biện chứng của Mác và Ăngghen.
+ Đối với
Hêghen (1770-1831), hai ông đã tiếp thu có phê phán:
Theo đánh
giá của Mác và Ăngghen, công lao của Hêghen trước hết là ở chỗ ông đã phê phán
mạnh mẽ phương pháp tư duy siêu hình và đối lập với phương pháp biện chứng.
Hêghen là người đầu tiên đã diễn đạt những qui luật của phép biện chứng và nó
được xem như linh hồn của mọi nhận thức khoa học (nó vạch ra trong mỗi đối tượng
những mâu thuẫn bên trong, sự phát triển của mâu thuẫn dẫn tới phủ định một đối
tượng này và xuất hiện một đối tượng khác).
Đồng thời với
việc đánh giá cao công lao của Hêghen trong việc phát triển phép biện chứng,
Mác và Ăngghen đã phê phán quyết liệt chủ nghĩa duy tâm của ông biểu hiện trong
học thuyết về ý niệm tuyệt đối, trong quan niệm về nhà nước và pháp quyền.
Trên cơ sở
đấu tranh phê phán chủ nghĩa duy tâm, giải phóng phép biện chứng của Hêghen khỏi
tính chất duy tâm, thần bí, Mác và Ăngghen đã xây dựng phép biện chứng duy vật-
hình thức cao nhất của phép biện chứng, đối lập căn bản với phép biện chứng của
Hêghen.
+ Đối với
Phoiơbắc (1804-1872):
Những tư tưởng
triết học vô thần của ông, tạo tiền đề lý luận quan trọng cho bước chuyển của
Mác và Ăngghen từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, từ lập trường dân
chủ cách mạng sang lập trường cộng sản.
Phoiơbắc đã
từ bỏ chủ nghĩa duy tâm của Hêghen một cách triệt để, phê phán mạnh mẽ tôn
giáo; ông khẳng định giới tự nhiên là tính thứ nhất, không phụ thuộc vào con
người và tồn tại vĩnh viễn, không Do ai sáng tạo ra; con người cũng là sản phẩm
của giới tự nhiên; thần thánh không sáng tạo ra con người, mà con người sáng tạo
ra thần thánh theo hình mẫu của mình tuỳ thuộc vào những điều kiện sống nhất định.
Mặc dù vậy, Phoiơbắc đã không hiểu được cuộc đấu tranh chính trị xã hội, không
hiểu vai trò của thực tiễn.
Tuy chịu ảnh
hưởng mạnh mẽ bởi triết học Phoiơbắc, nhưng Mác và Ăngghen đ• tiếp thu triết học
đó một cách có phê phán. Hai ông không vứt
bỏ hoàn toàn triết học của Hêghen như Phoiơbắc đã làm. Chủ nghĩa duy vật
của Mác và Ăngghen là chủ nghĩa duy vật triệt để, còn chủ nghĩa duy vật của
Phoiơbắc vẫn chưa thóat khỏi tính chất duy tâm và siêu hình đặc biệt khi
xem xét lĩnh vực xã hội.
Kinh tế
chính trị học cổ điển Anh
Với tinh thần tiếp thu có phê phán những quan điểm của
Adam Smith (1723-1790) và Đavid Ricarđô (1772-1823), Mác và Ăngghen đã khắc phục
tính chất duy tâm trong các quan niệm về xã hội của chủ nghĩa duy vật trước Mác
và xây dựng các quan niệm duy vật về lịch sử.
+ Về ưu điểm:
Adam Smith và Đavid Ricarđô là những người mở đầu lý luận về giá trị trong kinh
tế chính trị học bằng việc xây dựng học thuyết về giá trị lao động. Các ông đã
đưa ra những kết luận quan trọng về giá trị và nguồn gốc của lợi nhuận, về tính
chất quan trọng hàng đầu của quá trình sản xuất vật chất, về những quy luật
kinh tế quách quan.
+ Về hạn chế:
Do những hạn chế về phương pháp nên các nhà kinh tế học chính trị cổ điển Anh
đã không thấy được tính lịch sử của giá trị; không thấy được mâu thuẫn của hàng
hóa và sản xuất hàng hóa; không thấy được tính hai mặt của lao động sản xuất
hàng hóa cũng như không phân biệt được sản xuất hàng hóa giản đơn với sản xuất
hàng hóa tư bản chủ nghĩa; chưa phân tích được chính xác những biểu hiện của
giá trị trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
+ Kế thừa
những yếu tố khoa học trong lý luận về giá trị lao động và những tư tưởng tiến
bộ của các nhà kinh tế chính trị cổ điển Anh, Mác đã giải quyết những bế tắc mà
bản thân các nhà kinh tế chính trị cổ điển Anh đã không thể vượt qua được để
xây dựng nên lý luận về giá trị thặng dư, luận chứng khoa học về bản chất bóc lột
của chủ nghĩa tư bản và nguồn gốc kinh tế của sự diệt vong tất yếu của chủ
nghĩa tư bản cũng như sự ra đời tất nhiên của chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa
xã hội không tưởng Pháp
Mác và Ăngghen nghiên cứu có phê phán những tư tưởng
chủ nghĩa xã hội không tưởng mà đỉnh cao của nó là vào cuối thế kỷ XVIII, đầu
thế kỷ XIX với các đại biểu tiêu biểu như H.Xanhximông (1760-1825), S.Phuriê
(1772-1837) người Pháp và Rôbớt Ôoen (1771-1858) người Anh, đã giúp cho các ông
hiểu một cách duy vật biện chứng về đời sống xã hội, dự báo được sự phát triển
tương lai của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.
+ Về ưu điểm:
chủ nghĩa xã hội không tưởng thể hiện đậm nét tinh thần nhân đạo, phê phán mạnh
mẽ chủ nghĩa tư bản trên cơ sở vạch trần cảnh khốn cùng cả về vật chất lẫn tinh
thần của người lao động trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và đã đưa ra nhiều
quan điểm sâu sắc về quá trình phát triển của lịch sử cũng như dự đóan về những
đặc trưng cơ bản của xã hội tương lai.
+ Về hạn chế:
chủ nghĩa xã hội không tưởng đã không luận chứng được một cách khoa học về bản
chất của chủ nghĩa tư bản, không phát hiện được quy luật phát triển của chủ
nghĩa tư bản và cũng không nhận thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp
công nhân với tư cách là lực lượng xã hội có khả năng xóa bỏ chủ nghĩa tư bản để
xây dựng một xã hội bình đẳng, không có bóc lột.
+ Tinh thần
nhân đạo và những quan điểm đúng đắn của các nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng về
lịch sử, về đặc trưng của xã hội tương lai đã trở thành một trong những tiền đề
lý luận quan trọng cho sự ra đời của lý luận về chủ nghĩa xã hội trong chủ
nghĩa Mác.