Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng
và lãnh đạo đã trải qua một chặng đường hơn 25 năm. Sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi
mới trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam chúng
ta đã vượt qua khủng hoảng, bước vào thời kỳ ổn định và phát triển mới. Cùng với những thành
tựu trên lĩnh vực kinh tế, diện mạo đất nước ta đã có nhiều thay đổi tích cực trên tất cả các lĩnh
vực, chúng ta đã vượt ra khỏi tình trạng của một nước kém phát triển, đời sống nhân dân có
nhiều thay đổi tích cực, sức mạnh quốc gia về mọi mặt được tăng cường, độc lập tự chủ và chế
độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng
cao, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong giai đoạn mới. Tuy
nhiên, nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau và diễn biến phức tạp, không
thể xem thường. Một trong những thách thức đó là “nguy cơ tha hóa” do tác động mặt trái của
kinh tế thị trường.
Phát triển kinh tế thị trường, “nguy cơ tha hóa” đã trở thành một hiện thực trong đời sống
xã hội nước ta. Đó không chỉ là sự tha hóa về đạo đức, về lối sống và do vậy, là sự “tha hóa bản
chất con người”, của một bộ phận dân cư, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên, mà còn là sự
tha hóa của lao động, là “lao động bị tha hóa” do cơ chế thị trường, quan hệ hàng hóa - tiền tệ, sở
hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và do các thành phần kinh tế mà chúng ta chủ trương phát triển
lâu dài, như kinh tế tư nhân, kinh tế dựa trên hình thức sở hữu hỗn hợp, kinh tế có vốn đầu tư
nước ngoài,… tạo ra
Khắc phục “nguy cơ tha hóa” này không thể một sớm một chiều, mà là cả một quá trình
lâu dài, đầy khó khăn, phức tạp. Khắc phục “nguy cơ tha hóa” này đòi hỏi chúng ta phải giải
quyết nhiều vấn đề, cả trên phương diện lý luận lẫn trên phương diện thực tiễn, trong đó có sự
nhận thức và đánh giá về “nguy cơ tha hóa” này trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở
nước ta nói chung, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang
phát triển nói riêng để từ đó, có thái độ và cách thức ứng xử đúng đắn với bản chất của nó trong
đời sống xã hội nước ta hiện nay. Thêm nữa, chúng ta còn phải tìm ra những giải pháp hữu hiệu
và thực hiện có hiệu quả những giải pháp này để hạn chế và đi dần đến loại bỏ “nguy cơ tha hóa”
đó ra khỏi đời sống xã hội nước ta và qua đó, thực hiện lý tưởng cao đẹp mà C.Mác vĩ đại đã
khẳng định - giải phóng con người khỏi mọi sự tha hóa, thực hiện chiến lược phát triển con
người Việt Nam toàn diện mà Đảng ta đã xác định trong công cuộc đổi mới đất nước.
Để nhận thức và đánh giá đúng “nguy cơ tha hóa” đó, trước hết chúng ta cần phải hiểu rõ lý
luận về “tha hóa” của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin, mà C.Mác đã dành không ít công
sức để lý giải hiện tượng đã trở thành phổ biến này trong xã hội tư bản ở một tác phẩm được coi là
xuất phát điểm cho toàn bộ quá trình nghiên cứu lý luận của ông nói riêng, cho sự hình thành chủ
nghĩa Mác với tư cách một hệ thống lý luận nói chung - Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844.
Thêm nữa, đây còn là tác phẩm chứa đựng tư tưởng nhân văn sâu sắc và thể hiện đậm nét bản chất
nhân đạo trong thế giới quan của C.Mác qua sự luận giải về “Tha hóa” - sự “tha hóa của bản chất
con người”, sự “tha hóa của con người với con người”, sự “tha hóa của lao động” và “lao động bị
tha hóa” - để đi đến quan niệm về sự giải phóng con người, giải phóng giai cấp vô sản và qua đó,
giải phóng nhân loại khỏi mọi sự tha hóa.
Do vậy, có thể nói, làm rõ quan niệm của C.Mác về “Tha hóa” trong Bản thảo kinh tế -
triết học năm 1844 giúp tác giả có được cái nhìn khách quan, đúng đắn hơn về “nguy cơ tha hóa”
đang hiện hữu trong nền kinh tế thị trường, trong đời sống xã hội ở nước ta hiện nay và qua đó,
góp phần tìm ra những giải pháp hữu hiệu để khắc phục và dần đi đến xóa bỏ hiện tượng này
trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay
Với những suy nghĩ trên, tác giả đã lựa chọn “Quan niệm của C.Mác về “Tha hóa” trong
Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844 làm đề tài nghiên cứu để thực hiện luận văn Thạc Sĩ triết
học của mình.
Tags:
Thông tin hữu ích