* Cơ sở hạ tầng : là toàn bộ những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của một hình thái kinh tế – xã hội nhất định.
Khái niệm cơ sở hạ tầng phản ánh chức năng xã hội của các quan hệ sản xuất với tư cách là cơ sở kinh tế của các hiện tượng xã hội. Cơ sở hạ tầng của một xã hội cụ thể bao gồm những quan hệ sản xuất thống trị, những quan hệ sản xuất là tàn dư của xã hội trước và những quan hệ sản xuất là mầm mống của xã hội sau. Trong một cơ sở hạ tầng có nhiều thành phần kinh tế, nhiều quan hệ sản xuất thì kiểu quan hệ sản xuất thống trị bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo, chi phối các thành phần kinh tế và các kiểu quan hệ sản xuất khác; nó quy định và tác động trực tiếp đến xu hướng chung của toàn bộ đời sống kinh tế xã hội. Trong xã hội có đối kháng giai cấp, tính chất giai cấp của cơ sở hạ tầng là do kiểu quan hệ sản xuất thống trị quy định. Tính chất đối kháng giai cấp và sự xung đột giai cấp bắt nguồn từ ngay trong Cơ sở hạ tầng.
* Kiến trúc thượng tầng: là toàn bộ những quan điểm tư tưởng xã hội, những thiết chế tương ứng và những quan hệ nội tại của thượng tầng hình thành trên một cơ sở hạ tầng nhất định.